Ý nghĩa hoa Mai

Hoa Mai đã như một biểu tượng ngày tết, biểu hiện những điều may mắn, thiện lành. Màu vàng của hoa Mai là màu của sự hi vọng, ánh sáng, phú quý và may mắn.

Mai không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, ông bà khi chưng tết; thấy hoa Mai là thấy mùa xuân, là thời điểm gia đình sum họp, chúc nhau những điều tốt lành. 

Từ xưa, hoa Mai đã được chọn là biểu tượng cho sức sống mùa xuân; tuy mảnh dẽ nhưng cứng cáp, thuần khiết; mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy các khí phách của Mai ví như người quân tử. Các nhà nho loạn lạc thường ví mình như cành Mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão Mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Còn vóc dáng của hoa Mai thì được ví như người con gái quyền quý, khuê các.

Mẫn Giác Thiền Sư ( 1052 - 1096 )

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai

Cây Mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão, vì vậy mà Mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hi sinh cao cả, sự bền bỉ của con người Việt Nam nói chung.

Cây Mai đã gắn bó với làng quê Việt Nam từ lúc người dân biết khai hoang, lập làng để sinh sống.

Cành Mai ngày tết là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Tên gọi của loài hoa này cũng chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Là biểu tượng cho ngày tết của người dân Việt Nam.